Kinh nghiệm đi du lịch chùa Yên Tử


4-10-2011 (Nụ Cười Việt) – Kỉ niệm của tôi về Yên Tử thật sâu sắc và ấn tượng. Đó là một ngày mùa đông giá rét, tôi theo chân đoàn phật tử của chùa Phúc Khánh khởi hành từ Hà Nội lên Yên Tử để chắp tác chuẩn bị đại lễ Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tôi xin chia sẻ chút kinh nghiệm và cảm nhận của mình tới bạn đọc.

Từ Hà Nội đến Quảng Ninh các bạn nên đi ô tô. Ở bến xe Lương Yên, bến xe Mỹ Đình là hai bến xe có nhiều nhất xe chạy về Quảng Ninh. Đi chừng khoảng 3 tiếng đồng hồ, các bạn tới chùa Trình.  Chùa Trình hay còn gọi là chùa Bí Thượng ngày nay là ngôi chùa đầu tiên tại cửa ngõ vào Yên Tử, là nơi thể hiện lễ nghi “đi trình về tạ” (chùa Trình) của tín ngưỡng Phật giáo. Đây là ngôi chùa nằm cách chân núi Yên Tử khoảng 7km. Các bạn có thể vào đây làm lễ, nghỉ ngơi và dạo quanh thăm quan ngắm cảnh.
Từ chùa Trình các bạn bắt xe ôm hoặc taxi đi khoảng 7km là tới chân núi Yên Tử và bắt đầu cuộc hành trình thăm đất Phật. Ở Yên Tử vào mùa lễ hội (kéo dài từ khoảng tháng 1 âm lịch cho tới tháng 3 âm lịch) thì có cáp treo, các bạn có thể đi bằng cáp treo, tuy nhiên hết lễ hội cáp treo tạm ngừng hoạt động, đo đó chúng ta phải leo núi. Nghe các sư thầy truyền đạt lại, tôi biết rằng leo núi cũng là một cách thể hiện tấm lòng của mình đối với đức Phật và sẽ được ngài  chứng giám.
Đi từ dưới chân núi chúng ta sẽ gặp các di tích lần lượt như sau:
1. Tháp Huệ Quan
2. Chùa Suối Tắm
3. Chùa Cầm Thực
4. Chùa Lân
5. Suối Giải Oan
6. Chùa Giải Oan
7. Am Lò Rèn – Hòn Ngọc – Vườn tháp Huệ Quang
8. Chùa Hoa Yên
9. Thác Ngự Dội – Am Thiền Định – Thác Vàng
10. Chùa Một Mái
11. Am Diêm – Am Hoa – Am Dược
12. Chùa Bảo Sái
13. Chùa Vân Tiêu
14. Tượng đá An Kỳ Sinh
15. Cổng Trời – Bia Phật – Bàn Thờ Tiên
16. Chùa Đồng
Leo núi Yên Tử không quá khó nhưng thực sự là vất vả đối với những ai có sức khỏe không tốt. Từ chân núi cho tới đỉnh núi (Chùa Đồng) là chặng đường khá dài. Các bạn có thể nghỉ ngơi và ăn uống tại Hoa Yên, ở đây có nhà trọ và dẫy các nhà hàng phục vụ rất tốt và chu đáo.